​​​​​
Bộ TN&MT báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Đo đạc và bản đồ (17/09/2017)
Cỡ chữ
Sáng 12/9, tại Nhà Quốc hội Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các Phó Chủ tịch: Tòng Thị Phóng, Uông Chu Lưu, Phùng Quốc Hiển, Đỗ Bá Tỵ đã chủ trì cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để nghe và cho ý kiến về dự án Luật Đo đạc và bản đồ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

Tham dự cuộc họp các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên ban soạn thảo. Về phía Bộ TN&MT có Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cùng lãnh đạo Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cùng các thành viên ban soạn thảo dự án Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiêp họp. Ảnh: TN&MT

Trình bày tờ trình dự án Luật Đo đạc và bản đồ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trình bày nêu rõ: Hoạt động đo đạc và bản đồ có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các kết quả, sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản quốc gia phục vụ quản lý, quy hoạch lãnh thổ; phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia và nâng cao dân trí của cộng đồng.

Thời gian qua, hoạt động đo đạc và bản đồ đã được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý và triển khai các hoạt động đo đạc và bản đồ trên phạm vi cả nước, gồm 02 Nghị định, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và khoảng 80 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng… Các văn bản quy phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ được ban hành trong thời gian qua đã bước đầu đáp ứng được công tác quản lý Nhà nước cũng như việc thực thi pháp luật về đo đạc và bản đồ.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà báo cáo về dự án Luật Đo đạc và bản đồ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TN&MT

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ còn một số vấn đề tồn tại, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra của giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế, như: hoạt động đo đạc còn chồng chéo, lãng phí; việc quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc bản đồ còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu chia sẻ, sử dụng chung; công tác quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành chưa đầy đủ, thống nhất; việc phân cấp giữa Trung ương và địa phương chưa phù hợp; công tác quản lý xuất bản phẩm bản đồ chưa chặt chẽ; công tác xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ còn hạn chế…

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình an ninh, quốc phòng khu vực cũng như trên thế giới hiện nay có nhiều phức tạp, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay với tốc độ đột phá của Cách mạng Công nghiệp 4.0, việc sửa đổi và nâng tầm pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động đo đạc và bản đồ hiện hành, bổ sung các quy định còn thiếu để xây dựng và ban hành Luật đo đạc và bản đồ là yêu cầu cấp bách và thực tiễn khách quan… Đó là ý nghĩa quan trọng và cần thiết xây dựng dự án Luật Đo đạc và bản đồ.  

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu về dự án Luật Đo đạc và Bản đồ. Ảnh: TN&MT

Cũng theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ được xây dựng trân quan điểm và nguyên tắc: Quán triệt đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; Nhà nước thống nhất quản lý các hoạt động đo đạc và bản đồ, quy định hành lang pháp lý, chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật đo đạc và bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ quốc gia đồng bộ, hiện đại nhằm đảm bảo cung cấp thông tin địa lý đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn; nâng cao dân trí; làm nền tảng để phát triển Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia...

Dự thảo Luật cũng đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ đo đạc và bản đồ. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư cho sản xuất và phát triển các ứng dụng thông tin địa lý phục vụ nâng cao dân trí, tiến bộ xã hội; sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ vào hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh và các nhu cầu của đời sống và tăng cường hội nhập quốc tế về đo đạc và bản đồ.

Dự thảo Luật đo đạc và bản đồ gồm 63 điều thể hiện trong 9 chương, cụ thể:

1. Chương I. Những quy định chung, gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8. Chương này quy định về: Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật; các nguyên tắc cơ bản và chính sách của Nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đo đạc và bản đồ; hợp tác quốc tế và tài chính cho đo đạc và bản đồ.

2. Chương II. Hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản, gồm 12 điều (từ Điều 9 đến Điều 20). Chương này quy định về: Nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; các mạng lưới đo đạc quốc gia (gồm: Hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia, hệ tọa độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia và hệ trọng lực quốc gia, các mạng lưới đo đạc quốc gia); hệ thống không ảnh (gồm: Dữ liệu ảnh hàng không và dữ liệu viễn thám); cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia; đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia và địa giới hành chính; chuẩn hóa địa danh.

Đại diện Bộ TN&MT - thành viên chủ chốt của ban soạn thảo dự án Luật Đo đạc và bản đồ tại phiên họp. Ảnh: TN&MT

3. Chương III. Hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành, gồm 08 điều (từ Điều 21 đến Điều 28). Chương này quy định về: Nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; đo đạc và bản đồ quốc phòng; đo đạc, thành lập bản đồ địa chính; đo đạc, thành lập hải đồ; đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm; thành lập bản đồ hàng không dân dụng; thành lập các loại bản đồ chuyên ngành khác; bản đồ chuyên đề, tập bản đồ chuyên đề; atlas quốc gia; khảo sát địa hình, đo đạc công trình; thành lập bản đồ hành chính.

4. Chương IV. Chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ, gồm 03 điều (từ Điều 29 đến Điều 31). Chương này quy định về: Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động đo đạc và bản đồ; kiểm định thiết bị sử dụng trong hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ.

5. Chương V. Công trình hạ tầng đo đạc, gồm 04 điều (từ Điều 32 đến Điều 35). Chương này quy định về: Hệ thống công trình hạ tầng đo đạc; xây dựng công trình hạ tầng đo đạc; sử dụng mốc đo đạc và bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc.

6. Chương VI. Thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia, gồm 12 điều (từ Điều 36 đến Điều 47). Chương này quy định về: Thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ (gồm: Hệ thống thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ; quản lý, lưu trữ, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ;quyền sở hữu trí tuệ đối với thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ); hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; xuất bản bản đồ.

7. Chương VII. Điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ, gồm 07 điều (từ Điều 48 đến Điều 54). Chương này quy định về: Điều kiện của tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; hoạt động đo đạc và bản đồ của tổ chức nước ngoài; quản lý năng lực hoạt động đo đạc và bản đồ.

8. Chương VIII. Quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ, gồm 06 điều (từ Điều 55 đến Điều 60). Chương này quy định về nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ bao gồm trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ.

9. Chương IX. Điều khoản thi hành, gồm 03 điều (từ Điều 61 đến Điều 63). Chương này quy định về hiệu lực thi hành và việc quy định chi tiết.

Toàn cảnh phiên họp sáng 12/9 tại Nhà Quốc hội. Ảnh: TN&MT

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí việc xây dựng và ban hành dự án Luật Đo đạc và bản đồ

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Đo đạc và bản đồ, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, việc xây dựng dự án Luật đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về tăng cường ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ mới, tiên tiến trên nền tảng công nghệ thông tin trong dự báo, cảnh báo, điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định rõ hơn các nội dung của dự thảo Luật với các luật có liên quan, như Luật Thủy lợi, Luật Biên giới quốc gia, Luật Hàng không dân dụng, Bộ luật hàng hải, Luật Biển Việt Nam… để tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tại buổi họp, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí việc cần thiết xây dựng và ban hành dự án Luật Đo đạc và bản đồ nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đo đạc và bản đồ, khắc phục được tình trạng đo đạc chồng chéo, lãng phí; thúc đẩy thương mại hóa thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ và xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ nhằm phục vụ có hiệu quả hơn phát triển kinh tế -  xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế…

Một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị ban soạn thảo làm rõ hơn về: Thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (Chương VI) dự án Luật được bổ sung quy định về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (Mục 2, Chương VI). Theo đó, đây là tập hợp các chính sách, tổ chức, thể chế, tiêu chuẩn, công nghệ, dữ liệu và nguồn lực nhằm chia sẻ và sử dụng hiệu quả dữ liệu không gian địa lý trong phạm vi cả nước. Cho rằng đây là vấn đề mới, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị, Ban soạn thảo đã quy định đủ các nội dung liên quan về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia chưa? Có cần quy định về Ủy ban quốc gia về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý trong Luật hay không?

Theo báo TN&MT