​​​​​
Hội nghị lần thứ 6 của Uỷ ban Liên hợp quốc về Quản lý Thông tin địa lý toàn cầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (27/10/2017)
Cỡ chữ
Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Quản lý thông tin địa lý toàn cầu khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (UNGGIM AP) được tổ chức tại tỉnh Kumamoto, Nhật Bản từ ngày 16/10/2017 đến ngày 19/10/2017 với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ hơn 20 quốc gia, tổ chức quốc tế và các công ty hoạt động trong lĩnh vực quản lý thông tin không gian địa lý.

Ông Ikuo Kabashima Tỉnh trưởng tỉnh Kumamoto đã đến phát biểu tại buổi khai mạc.  Ông rất vinh dự khi Kumamoto được lựa chọn là nơi tổ chức Hội nghị lần thứ 6 của UNGGIM AP. Ông hy vọng các chuyên gia có những trao đổi, hợp tác hơn nữa trong các chương trình trắc địa và thông tin địa lý của khu vực góp phần ứng phó, giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra. Ông cũng nhấn mạnh vai trò của dữ liệu đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý trong công tác xử lý hậu quả của trận động đất 7.0 độ Richter vào tháng 4 năm 2016.

Ông Ikuo Kabashima phát biểu khai mạc Phiên họp lần thứ 6 của UNGGIM AP

Phiên họp nghe 04 Nhóm công tác gồm: Nhóm công tác 1 về khung tham chiếu trắc địa, Nhóm công tác 2 về quản lý rủi ro thiên tai, Nhóm công tác 3 về hạ tầng dữ liệu không gian (SDI) và Nhóm công tác 4 về quản lý đất đai và địa chính báo cáo và thảo luận.

Đoàn Việt Nam đã tham gia vào các thảo luận của Nhóm 1, Nhóm 2 và Nhóm 3. Việt Nam đã cung cấp các thông tin về hạ tầng trắc địa, dữ liệu địa hình cơ bản của Việt Nam và đề nghị Nhóm 3 xây dựng các quy định kỹ thuật cụ thể về việc thiết lập cổng thông tin địa lý khu vực. Việt Nam cũng nhấn mạnh sẵn sàng hợp tác trao đổi dữ liệu được phép theo quy định của Việt Nam trong khuôn khổ hoạt động của Nhóm 1 và Nhóm 3.

Đại biểu tham dự Phiên họp lần thứ 6 của UNGGIM AP

Kết thúc Phiên họp, UNGGIM AP đã thông qua Nghị quyết bao gồm các nội dung chính sau:

- Nhóm công tác 1.

+ Nghiên cứu xây dựng các nguyên tắc của dữ liệu trắc địa đảm bảo tính chia sẻ, hiện thời, bản quyền, khả năng tiếp cận.

+ Khuyến khích việc thực thi các chính sách, chiến lược về dữ liệu trắc địa và đảm bảo sự liên kết các nhóm làm việc của UNGGIM về khung chính sách, luật về quản lý thông tin không gian địa lý.

+ Thúc đẩy và chia sẻ dữ liệu trắc địa để hỗ trợ khung tham chiếu mặt đất quốc tế (ITRF), chương trình trắc địa khu vực như khung tham chiếu khu vực châu Á – Thái Bình Dương và dự án Trắc địa khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

+ Đề nghị các nước quan tâm đến việc chia sẻ dữ liệu quan trắc GNSS thời gian thực hỗ trợ quản lý các thảm hoạ và các trường hợp khẩn cấp, giảm thiểu các thiệt hại bao gồm hệ thống cảnh báo sớm động đất và sóng thần.

+ Khuyến khích các nước tham gia vào các hợp tác đa phương để tăng khả năng trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm cùng các thách thức trong phát triển mạng lưới trắc địa;

+ Phối hợp chặt chẽ với Hiệp đoàn trắc địa quốc tế (FIG), đặt biệt mạng lưới phát triển năng lực châu Á – Thái Bình Dương FIG (AP-CDN), tổ chức trắc địa quốc tế (IAG), tiểu ban Trắc địa của UNGGIM và các cơ quan liên quan khác để đầu tư vào năng lực trắc địa

- Nhóm công tác 2.

+ Xây dựng các ví dụ thực tiễn tốt nhất trong việc sử dụng thông tin không gian địa lý để giảm thiểu các thảm hoạ thiên tai tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương;

+ Hoàn thành hướng dẫn để các cơ quan đo đạc bản đồ quốc gia đóng góp một cách hiệu quả vào việc giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai.

+ Khuyến khích các nước thành viên chia sẻ công nghệ hạ tầng quan trắc trái đất và nguồn dữ liệu về thảm hoạ, thông qua các kênh đã được thiết lập sẵn.

- Nhóm công tác 3.

+ Tiếp tục nghiên cứu hiện trạng NSDI của các nước thành viên, yêu cầu các nước thành viên trả lời các câu hỏi khảo sát;

+ Tiếp tục xác định tiêu chuẩn chung cho SDI khu vực như các chủ đề dữ liệu không gian địa lý toàn cầu, các tiêu chuẩn về dịch vụ (giao diện và các chỉ tiêu kỹ thuật cho một cổng thông tin địa lý khu vực), dữ liệu nháp và các quy tắc chia sẻ sẽ được gửi cho các nước xem xét và góp ý;

+ Tiếp tục dự án thử nghiệm về cổng thông tin SDI: xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp tải và truy cập dữ liệu, siêu dữ liệu và cơ chế chia sẻ dữ liệu; phân phát hướng dẫn cho các nước thành viên để trao đổi góp ý. Dự án giữ quan điểm thể hiện các yếu tố tự nhiên mà không thể hiện các yếu tố liên quan đến chính trị.

+ Thúc đẩy việc trao đổi, hợp tác với các tổ chức chuyên môn quốc tế khác thông qua các buổi họp hoặc các triển lãm trong các sự kiện quốc tế.

- Nhóm công tác 4.

+ Dự thảo mô hình khái niệm về quản lý đất đai và địa chính bao gồm mô hình tham chiếu ứng dụng, mô hình tham chiếu dữ liệu và mô hình tham chiếu kỹ thuật.

+ Yêu cầu nhóm làm việc xem xét tính phù hợp của dự thảo mô hình khái niệm để đi đến nhất trí trong phiên họp tiếp theo.

+ Yêu cầu nhóm công tác tiếp tục làm việc với Nhóm chuyên gia của UNGGIM về quản lý và địa chính

Ngoài chương trình nghị sự chính thức, các đại biểu đã đến thăm bảo tàng động đất tại đỉnh Aso và thăm trạm COR đặt tại Trường cao đẳng kỹ thuật Trắc địa Kumamoto và nghe giới thiệu về cấu trúc, vận hành trạm và việc truyền dữ liệu của trạm trong thảm hoạ động đất tại Kumamoto năm 2016.

Đỗ Thủy